Dự án

Long An hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

  •  

Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đạt một số kết quả tích cực, tạo động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM, miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại. Bên cạnh đó, tỉnh còn có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, từng bước vươn lên trở thành một trong những tỉnh giàu, mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN), lấy CN làm động lực cho sự phát triển, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau giúp nông dân thu lợi nhuận cao

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau giúp nông dân thu lợi nhuận cao

 

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá, chọn 3 cây trồng (lúa, thanh long, rau), 1 vật nuôi (bò thịt) thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch). Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh ƯDCNC, gồm: 20.000ha lúa tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành, 2.000ha rau tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP.Tân An và vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, tuy tiến độ còn chậm so với yêu cầu nhưng bước đầu đạt kết quả khả quan, nhất là xác định được cụ thể vùng dự án để tập trung triển khai, đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 5.404ha lúa sản xuất ƯDCNC, đạt 27% kế hoạch; 795,2ha rau, đạt 39,8% kế hoạch; 841,5ha thanh long, đạt 42,1% kế hoạch. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với quy mô 732 con.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai thi công 17 danh mục công trình đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ƯDCNC. Đối với Dự án VnSAT, tỉnh hỗ trợ 5 hợp tác xã xây dựng các tiểu dự án đầu tư trang thiết bị và kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí trên 32 tỉ đồng. Mặt khác, tỉnh triển khai xây dựng 7 trạm bơm điện để bàn giao cho các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, phục vụ vùng lúa ƯDCNC.Trong đó, tỉnh hỗ trợ mỗi trạm bơm điện tối đa không quá 200 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển đất trồng lúa.

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa tại thị xã Kiến Tường

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa tại thị xã Kiến Tường

 

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Hợp tác xã 1/5 (huyện Tân Hưng), vui mừng chia sẻ: Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, việc sản xuất lúa ƯDCNC ngày càng thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Vụ Đông Xuân 2017-2018, hợp tác xã có 50ha lúa sản xuất theo hướng công nghệ cao. Vụ Hè Thu 2018, có 70ha lúa sản xuất theo hướng công nghệ cao và 50ha sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Giá lúa trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 800 đồng/kg.Ước tính, nông dân có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình khoảng 3-4 triệu đồng/ha”.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Nhằm tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là trong lĩnh vực CN, tỉnh tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm, gồm: Đường tỉnh (ĐT) 830 (Đức Hòa - Tân Tập) kết nối các huyện CN trọng điểm của tỉnh với Đường vành đai của TP.HCM, Quốc lộ 50 và Cảng Quốc tế Long An; Đường Vành đai TP.Tân An; Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối Long An với TP.HCM và tỉnh Tiền Giang. “Với quan điểm xem vốn đầu tư của Nhà nước là vốn “mồi” để huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cùng tham gia, tỉnh phân từng công trình trọng điểm thành các dự án thành phần để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư bằng nhiều hình thức nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh thông tin.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh là huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển CN vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Theo Sở Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, có 6/14 công trình hoàn thành, gồm: Đường nối từ ĐT830 đến Quốc lộ N2; ĐT825 (đoạn từ N2 đến ngã tư Hậu Nghĩa); ĐT823 (từ Trà Cú đến ngã tư Hậu Nghĩa); cải tạo, nâng cấp mặt ĐT824, đoạn từ Km12+000 (ngã ba Mỹ Hạnh) đến Km15+200 (cuối tuyến); ĐT826B, đoạn từ Quốc lộ 50 đến đồn Rạch Cát; nâng cấp ĐT825, đoạn từ thị trấn Đức Hòa đến ngã ba Hòa Khánh.

 

Mạng lưới giao thông được đầu tư góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế

 

Mạng lưới giao thông được đầu tư góp phần thúc đẩy sự phát

 

triển kinh tế

 

Sự phát triển nhanh về giao thông góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa 3 vùng quy hoạch chiến lược của tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các ngành, nghề CN, tiểu thủ CN, thương mại - dịch vụ phát triển. Nổi bật nhất có thể kể đến là ĐT830, nối liền từ huyện Đức Hòa qua Quốc lộ 1 đến Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc). Tuyến đường dài khoảng 55km, tổng mức đầu tư trên 3.200 tỉ đồng và chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 từ huyện Đức Hòa đến Bến Lức, dài khoảng 23,1km, thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các đoạn còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Ngoài ĐT830, đường Tân Tập - Long Hậu cũng là một trong những công trình được đặt nhiều kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong liên kết vùng giữa Long An, TP.HCM. Bí thư Đảng ủy xã Long Hậu - Võ Thanh Hồng cho biết: “Đường Tân Tập - Long Hậu là công trình thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng hạ Cần Giuộc, tuy nhiên, đến nay, mới hoàn thành giai đoạn 1 do gặp khó khăn về vốn. Hy vọng lãnh đạo tỉnh sớm cho chủ trương tiếp tục thi công, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương”.

Việc phát triển mạng lưới giao thông còn mang lại diện mạo mới, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương. Chị Lê Thị Bích Chi, ngụ ấp 10, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, bộc bạch: “Khi ĐT830, đoạn qua địa bàn huyện hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân phấn khởi vô cùng. Trước đây, tuyến đường này nhỏ, hẹp trong khi lượng xe lưu thông rất nhiều, nhất là xe tải, xe container nên người dân rất lo ngại khi tham gia giao thông”.

Nhờ tranh thủ các nguồn lực tại chỗ và sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay, Long An trở thành một trong những tỉnh, thành có nền CN tăng trưởng khá trong khu vực. Toàn tỉnh hiện có 16 khu CN và 17 cụm CN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 78%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP hàng năm đạt từ 9% trở lên (năm 2016 đạt 9%; năm 2017 đạt 9,53%; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 10,96%, cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội X Đảng bộ tỉnh đến nay và tương đối đều ở cả 3 khu vực). Sản lượng lương thực hàng năm trên 2,6 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao trên 1,2 triệu tấn. GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm.

Phát huy những kết quả đã đạt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Long An tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết, đặc biệt là 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm, tạo nền tảng bảo đảm cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh./.

An Kỳ

Zalo
Zalo
favebook